Silicon Valley (Thung lũng Silicon) giờ đây không đơn thuần là tên một vùng đất ở Bắc California, mà còn gợi nhắc tới sự trỗi dậy của Internet, công nghệ tiên phong và những con người hiện thực hóa được giấc mơ Mỹ.
Silicon Valley là nơi sản sinh ra những gã khổng lồ công nghệ như Facebook, Google và Apple. Đây là những công ty mang đến các sản phẩm và dịch vụ như mạng xã hội, công cụ tìm kiếm, email, điện thoại thông minh và máy tính. Đó là những thứ đang vận hành cuộc sống hàng ngày của con người.
Những cái tên đó chỉ là một vài ví dụ về các doanh nghiệp tiên phong ở Silicon Valley. Có hàng trăm start-up tại đây có tham vọng tiếp bước những ông lớn này. Thung lũng Silicon cũng truyền cảm hứng cho cho sự nảy nở của các thành phố công nghệ mới với những tên gọi na ná, như Silicon Hills ở Austin, bang Texas hay Silicon
Prairie ở miền Trung Tây nước Mỹ (Midwest). Thậm chí, một series phim của HBO còn được sản xuất dựa trên văn hóa làm việc và những con người ở Silicon Valley. Series phim này được cho là khắc họa chân thực những gì diễn ra tại đây.
Tuy vậy, có rất nhiều sự thật về Silicon Valley đã bị thổi phồng và bóp méo, gây ra vô vàn sự hiểu lầm về Thung lũng Silicon. Thông qua chức năng gợi ý trong công cụ tìm kiếm của Google, trang tin Business Insider đã tổng hợp 8 câu hỏi về Silicon Valley được tra cứu nhiều nhất trên mạng internet. Dưới đây là câu trả lời cho 8 câu hỏi đó.
1. Thung lũng Silicon nghĩa là gì?
Đầu tiên, hãy phân biệt silicon và silicone. Khác với silicone (một loại vật liệu nhựa giống cao su), từ “Silicon” (hay “silic” trong tiếng Việt) là một chất hóa học với giá thành rẻ, có tính bán dẫn. Đặc tính đó khiến nó rất phù hợp để chế tạo chip máy tính.
Con chip silicon đầu tiên được sản xuất vào giữa thế kỷ 20 khi ngành công nghiệp bán dẫn đang bắt đầu phát triển.
Ngày nay, silicon vẫn được sử dụng để sản xuất những con chip vốn là “trái tim” của các loại điện thoại thông minh, máy tính bàn, máy tính bảng và nhiều thiết bị công nghệ khác.
Khu vực Bắc California, ngày nay được biết đến với tên gọi Silicon Valley, là hạt nhân cho sự bùng nổ của ngành công nghiệp bán dẫn vào giữa thế kỷ 20 với những công ty tiên phong như Fairchild hay Intel.
Từ “Thung lũng” (Valley) được cho là xuất phát từ thung lũng Santa Clara. Thung lũng này nằm giữa dãy núi Santa Cruz ở phía tây và dãy Diablo ở phía đông. Trước khi các công ty máy tính và thiết bị điện tử đổ bộ, vào những năm đầu thế kỷ 20, khu vực này được biết đến với cái tên đầy thơ mộng “Thung lũng của hạnh phúc” với bạt ngàn những vườn cây ăn quả như mơ, mận, hạnh nhân.
Không rõ ai là người đã nghĩ ra tên gọi “Silicon Valley” cho khu vực này nhưng nó đã được phổ biến bởi một phóng viên chuyên viết về mảng công nghệ tên là Don Hoefler vào thập niên 1970.
Tên gọi này rõ ràng gợi sự tò mò và giờ đây nó không chỉ là tên một địa danh mà còn gợi nhắc đến sự thống trị của mạng internet, thế giới kỹ thuật số, các tỷ phú công nghệ cùng nhiều khái niệm hiện đại khác.
2. Silicon Valley là thành phố nào?
Thung lũng Silicon không phải là một thành phố - nó là một khu vực bao gồm nhiều thành phố, như Mountain View (vốn là sân sau của Google) hay Cupertino (nơi đặt đại bản doanh của Apple).
Một số người cho rằng thủ phủ không chính thức của Thung lũng Silicon là Palo Alto, nơi có Đại học Stanford, ngôi trường của nhiều CEO và các nhà sáng lập. Lại có những ý kiến khác cho rằng San Jose mới thực sự là thủ phủ của trung tâm công nghệ này.
Khi nhắc đến Silicon Valley, mội số người thường cho rằng khu vực này bao gồm cả San Francisco, nhưng Silicon Valley thực chất là khu vực nằm khá xa về phía nam Khu vực Vịnh San Francisco. Nơi đây có những thành phố như San Jose, Menlo Park, Palo Alto, Mountain View,…
Về mặt địa lý, chắc chắn Francisco không nằm trong Thung lũng Silicon, nhưng trong tư duy của nhiều người nó là một phần của Thung lũng Silicon.
3. Thời kỳ Silicon Valley bùng nổ là khi nào?
Có lẽ câu hỏi này đề cập đến sự bùng nổ của các công ty công nghệ, thường được gọi là hiện tượng Bong bóng dot-com, bắt đầu vào cuối những năm 1990 và bùng nổ vào đầu thập niên 2000. Đây là lúc internet dần trở nên dễ tiếp cận hơn với số đông. Các nhà đầu tư đổ tiền vào những start-up tiềm năng cung cấp dịch vụ trong cơn sốt internet mới này, và rồi họ nhận ra không phải doanh nghiệp nào cũng có thể sinh lời, khiến cho giá cổ phiếu tụt giảm mạnh.
Ngay cả một số công ty đã đã có chỗ đứng trên thị thường cũng bị tác động lớn, như Cisco và Sun Microsystems có trụ sở tại Bay Area. Bong bóng dot-com là câu chuyện cảnh giác cho giới đầu tư mạo hiểm và các starrt-up công nghệ tiềm năng đến mức quá lý tưởng.
4. Vì sao thu nhập ở Silicon Valley lại cao?
Theo website chuyên về việc làm Glassdoor, mức lương trung bình tại các công ty công nghệ trả lương cao nhất Silicon Valley dao động từ 133 nghìn đến 171 nghìn USD.
Các kỹ sư lập trình và nhân viên phát triển phần mềm giỏi nhất và sáng giá nhất được các công ty công nghệ săn đón gắt gao. Nhu cầu về người lao động cao khiến các doanh nghiệp phải đưa ra mức lương cạnh tranh để tuyển được những người giỏi nhất.
Các start-up công nghệ ở Thung lũng Silicon nổi tiếng với việc trả lương bằng cổ phần. Nếu một start-up được mua lại hoặc niêm yết trên sàn chứng khoán, lượng cổ phần đó có thể trở thành một món hời trời cho (và tương tự, nếu start-up bị phá sản, cổ phần sẽ là vô giá trị).
Nhân viên ở các công ty về công nghệ và sáng tạo tại Silicon Valley có những đặc quyền như bữa trưa miễn phí, phòng mát xa và được phép đi chân đất ở văn phòng.
Mạng internet đã len lỏi vào mọi lĩnh vực trên thế giới và để giữ chân được những tài năng ưu tú nhất về công nghệ, các công ty phải sẵn sàng trả lương cao hơn, chia cổ phần nhiều hơn hay đưa ra những đặc quyền hấp dẫn hơn.
5. Các tỷ phú Silicon Valley là ai?
Những người giàu nhất Silicon Valley là các nhà sáng lập các công ty công nghệ, các nhà đầu tư mạo hiểm và các ông lớn bất động sản.
Có thể kể đến một vài cái tên nổi bật như nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg, nhà đồng sáng lập Oracle Larry Ellison, các nhà đồng sáng lập Google Larry Page và Sergey Brin, hay Elon Musk của Tesla.
CEO của Twitter Jack Dorsey và CEO của Salesforce Marc Benioff cũng thường được xếp chung vào danh sách này, nhưng điều đó còn phụ thuộc vào cách xác định phạm vi của Silicon Valley bởi Twitter và Salesforce đặt trụ sở tại San Francisco.
6. Vì sao các tỷ phú Silicon Valley lại nhịn đói?
Đây là quả là một câu hỏi thú vị. Có thể câu hỏi này đề cập đến xu hướng nhịn ăn của các tỷ phú công nghệ. Đây là một phần của trào lưu "bẻ khóa sinh học" (biohacks) ở Thung lũng Silicon.
Theo đó, những người làm công nghệ điều chỉnh lối sống và chế độ ăn hàng ngày để điều chỉnh cơ chế sinh học của cơ thể nhằm tăng hiệu quả và năng suất làm việc. Các thành viên hội đồng quản trị, từ Giám đốc phân tích Dan Zigmond của Facebook đến cựu Giám đốc điều hành Evernote Phil Libin đều tham gia vào trào lưu này.
Thậm chí còn có một câu lạc bộ những người làm công nghệ bẻ khóa sinh học ở Bay Area, với tên gọi là WeFast. Các thành viên WeFast thực hiện chế độ nhịn ăn theo chu kỳ (intermittent fasting) hoặc không ăn gì trong khoảng từ 14 tiếng đến vài ngày.
Một trong những người yêu thích và hay nói về việc nhịn ăn nhất là tỷ phú Jack Dorsey – CEO của Twitter.
Đầu năm 2019, Dorsey nói với chuyên gia fitness Ben Greenfield rằng anh ấy chỉ ăn bữa tối các ngày trong tuần và không ăn gì vào cuối tuần, như vậy là chỉ có năm bữa một tuần.
Dorsey nói với Greenfield: “Việc nhịn ăn giúp tôi thực sự cảm nhận được sức hấp dẫn của đồ ăn và hương vị vì tôi luôn có cảm giác đói và thèm ăn suốt cả ngày.”
7. Vì sao phụ nữ bị phân biệt đối xử ở Silicon Valley?
Thung lũng Silicon từ lâu đã là thánh địa của nam giới. Nhưng trước khi ngành công nghiệp bán dẫn hình thành và phát triển vào giữa thế kỷ 20, lập trình phần mềm là việc dành cho phụ nữ cho đến khi người ta cho rằng đàn ông phù hợp hơn với công việc này. Từ đó, nam giới đã thống trị thế giới công nghệ, cùng với những quan điểm và lối sống chỉ phù hợp với phái mạnh.
Tác giả Emily Chang đã bàn luận về vấn đề phân biệt giới tính ở Silicon Valley trong cuốn sách "Brotopia: Breaking Up the Boys' Club of Silicon Valley." (tạm dịch: Phá vỡ sự thống trị của nam giới tại Silicon Valley)
Cuốn sách của Chang mô tả chi tiết tư duy phân biệt giới tính đã thấm sâu vào lịch sử Silicon Valley và ngành công nghệ nói chung. Nam giới thường có lợi thế hơn phụ nữ trong các cơ hội việc làm và thăng tiến.
Ngay cả trong đời sống hiện đại, tình trạng phân biệt giới tính, phân biệt đối xử, quấy rối tình dục vẫn phổ biến trong thế giới công nghệ.
Các công ty do phụ nữ lãnh đạo chỉ nhận được 2% vốn đầu tư mạo hiểm. Theo báo cáo của The Atlantic, chưa đến 1/4 các công việc trong ngành tin học và toán học ở Mỹ do phụ nữ đảm nhận.
Các nghiên cứu cho thấy phụ nữ làm công nghệ thường bị ngắt lời nhiều hơn trong các cuộc họp và thường bị lép vé so với các đồng nghiệp nam giới trong môi trường làm việc. Các báo cáo liên tục chỉ ra rằng phụ nữ trong lĩnh vực công nghệ bị đánh giá không chỉ dựa trên hiệu suất và năng lực làm việc mà còn cả tính cách của họ.
Những vấn đề này thậm chí còn nghiêm trọng hơn với nhóm phụ nữ da màu trong ngành công nghệ. Sự mất cân bằng về chủng tộc trong ngành công nghệ thậm chí còn nghiêm trọng hơn vấn đề mất cân bằng giới tính.
Trong những năm gần đây, các công ty đã cố gắng minh bạch hơn khi đưa ra các chỉ số về tình trạng phân biệt đối xử ở công sở. Các hội nghị và các buổi đào tạo đã được tổ chức để giúp chống lại tình trạng phân biệt đối xử và mất cân bằng giới tính trong môi trường làm việc, nhưng vấn đề này vẫn cần phải cải thiện rất nhiều.
8. Bạn có thể học được gì từ Silicon Valley?
Câu hỏi này có hai cách trả lời.
Một là những người muốn thành lập một công ty có thể học được nhiều điều từ Silicon Valley và những câu chuyện thành công ở đây. Bạn có thể dễ dàng tìm thấy trên mạng những bài học cốt yếu về Thung lũng Silicon dành những nhà sáng lập trẻ tuổi. Ví dụ như “Làm sao bạn trở thành người luôn đổi mới sáng tạo”, “Hãy lắng nghe khách hàng chứ không phải các kỹ sư”, “Sẵn sàng làm việc 24/7 và vượt qua
mọi thách thức”. Khi tìm hiểu cách xây dựng doanh nghiệp thành công, những người sáng lập có thể học theo hình mẫu start-up hiện tại ở Silicon Valley.
Nhưng bạn cũng có thể học về những điều nên tránh thông qua ví dụ thực tế từ Silicon Valley.
Theo bình luận trên trang Quartz, văn hóa "Tiến nhanh và phá vỡ mọi thứ" đã trở thành một phương châm hoạt động của các công ty công nghệ lớn cho đến khi có quá nhiều thứ bị phá hỏng.
Uber, gã khổng lồ trong lĩnh vực dịch vụ đặt xe, đã gặp nhiều vấn đề liên quan đến các cáo buộc quấy rối tình dục khách đi xe và nhiều cuộc điều tra cấp liên bang. Uber cũng phớt lờ các quy định pháp luật khi ra mắt đội xe dịch vụ tại các thành phố của Mỹ vào năm 2011. Năm 2017, các start-up về xe điện máy Bird và Lime cũng có những hoạt động tương tự.
Ngay cả Facebook, một ông lớn của Silicon Valley, vốn là điển hình cho phương châm "Tiến nhanh và phá vỡ mọi thứ", cũng đã dính vào hàng loạt bê bối khi có những nghi vấn xung quanh vấn đề xử lý dữ liệu người dùng.
Có rất nhiều bài học kinh nghiệm từ những câu chuyện kinh doanh ở Silicon Valley. Hãy chờ xem trong tương lai những bài học sẽ được áp dụng như thế nào vào thực tế.
(Theo Business Insider)