Những điều bạn cần biết về IoT (Internet of Things)
IoT là viết tắt của cụm từ Internet of Things (nghĩa là Internet vạn vật). Đây là một trong những trụ cột chính của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. Vậy IoT sẽ mang đến những lợi ích gì cho con người?
1. IoT là gì? Một số ví dụ về thiết bị IoT
IoT là một mạng lưới rộng bao phủ hầu hết mọi đồ vật trên toàn cầu kết nối với mạng Internet.
Nói một cách dễ hiểu hơn, IoT cho phép tất cả các thiết bị mà con người sử dụng đều có khả năng kết nối và tương tác với nhau thông qua mạng Internet, từ đó có thể dễ dàng thu thập, xử lý và truyền tải các dữ liệu.
IoT có những đặc tính cơ bản như:
- Tính kết nối liên thông: là khả năng các thiết bị đều có thể kết nối với nhau.
- Tính không đồng nhất: nghĩa là các thiết bị trong mạng lưới IoT sở hữu phần cứng và network khác nhau.
- Thay đổi linh hoạt: số lượng và trạng thái thiết bị đều có thể thay đổi.
- Quy mô lớn: mạng lưới IoT có rất nhiều thiết bị kết nối với nhau thông qua Internet.
- Đáp ứng các dịch vụ liên quan đến “Things” (vạn vật).
Các đồ dùng thông thường cũng có thể biến thành thiết bị IoT nếu nó có thể kết nối với Internet. Một ví dụ điển hình nhất của thiết bị IoT chính là “Nhà thông minh” khi các thiết bị điện trong nhà đều có thể điều khiển được thông qua điện thoại có kết nối mạng. Ví dụ bạn có thể tắt đèn, đóng cửa, kéo rèm,... chỉ bằng một nút bấm trên điện thoại thông minh và khi đó bóng đèn, cửa hay rèm đều là những thiết bị IoT.
Một số ví dụ khác về thiết bị IoT có thể biết đến như là hệ thống đèn đường được tắt bật tự động, xe tự lái, động cơ phản lực,....
2. IoT có an toàn và bảo mật không?
Với việc kết nối vạn vật qua internet và thu thập thông tin, vấn đề an toàn và bảo mật của IoT vẫn luôn là câu hỏi lớn được rất nhiều người quan tâm. Nhưng cho đến nay, vấn đề bảo mật của IoT vẫn cực kỳ kém.
Quá nhiều thiết bị IoT thiếu những điều cơ bản về bảo mật như mã hóa dữ liệu trong quá trình sử dụng. Việc này sẽ tạo lỗ hổng khiến các thiết bị IoT dễ dàng bị kiểm soát bởi hacker, tạo bàn đạp cho các cuộc tấn công mạng làm lộ thông tin người dùng.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn có thể hạn chế tối đa rủi ro từ IoT và khai thác triệt để lợi ích của công nghệ này bằng cách:
- Nhận biết các mối đe dọa để có biện pháp phòng ngừa rủi ro.
- Kiểm soát chặt chẽ các thiết bị có nguy cơ lây nhiễm cao.
- Xây dựng phương án quy hoạch mạng riêng cho các thiết bị IoT.
- Xây dựng các hệ thống giám sát.
3. IoT vận hành như thế nào?
Có 4 thành phần cần thiết để có được một hệ thống IoT. Đó là sự định danh (identification), bộ cảm biến (sensor), kết nối không dây (wireless communication) và bộ nền tảng (platform).
- Định danh (identification): Truyền tải thông tin trong môi trường internet chủ yếu thông qua địa chỉ IP. Thông thường, địa chỉ IP phổ biến là IPv4 nhưng khi ngày càng có nhiều thiết bị sử dụng, IPv4 dần cạn kiệt và được thay thế bởi IPv6. Người ta ước tính nếu mỗi một vật trên trái đất được gán cho một địa chỉ IPv6 thì số địa chỉ vẫn còn dư rất nhiều. Vì vậy, chúng ta sẽ không phải lo đến vấn đề cạn kiệt địa chỉ cho các thiết bị.
- Bộ cảm biến (sensor): Bộ cảm biến này đa dạng, tùy vào từng thiết bị mà thu thập những dữ kiện khác nhau như mức độ ánh sáng, chuyển động, gia tốc, nhiệt độ, độ ẩm, tiếng động, hóa chất, lực và từ trường,…
- Kết nối không dây (wireless communication): Sau khi đã có những dữ liệu thì phải dùng hệ thống kết nối không dây để truyền đi. Có nhiều hệ thống kết nối không dây mà chúng ta hay biết đến như Bluetooth, Wi-Fi, Mạng di động, Zigbee...
- Bộ nền tảng (platform): Đây được xem là cầu nối giữa các thiết bị cảm biến và mạng dữ liệu để truyền thông tin.
Có nhiều cách để các thiết bị IoT kết nối và chia sẻ dữ liệu cho nhau. Ví dụ như nhà và văn phòng sẽ sử dụng mạng Wi-Fi hoặc Bluetooth, các thiết bị khác sẽ sử dụng kết nối LTE, 5G hoặc thậm chí là vệ tinh để liên lạc.
4. IoT mang lại những lợi ích gì cho cuộc sống ngày nay?
IoT được coi là chìa khóa thành công của con người trong tương lai gần vì nó không chỉ mang lại lợi ích với những doanh nghiệp công nghệ thông minh mà còn rất cần thiết trong cuộc sống hàng ngày. Với IoT, con người có thể:
- Tự động hóa hệ thống nhà thông minh
- Quản lý các thiết bị cá nhân bằng kết nối mạng
- Mua sắm thông minh qua các phần mềm máy tính, điện thoại
- Quản lý môi trường, chất thải trong các nhà máy, xí nghiệp
- Quản lý, lập kế hoạch công việc cho các doanh nghiệp
- Theo dõi chăm sóc sức khỏe từ xa
Hầu hết các ngành nghề hiện nay đều phát triển hơn dựa trên sự kết nối linh hoạt của mạng lưới IoT bao gồm từ giáo dục, nông nghiệp, công nghiệp, y tế,… Điển hình như các nhà máy sản xuất bắt đầu áp dụng cảm biến cho các bộ phận sản xuất, từ đó theo dõi được hoạt động và tìm cách nâng cao năng suất, hay các doanh nghiệp sử dụng công nghệ IoT để quản lý nhân sự, cải thiện hiệu suất làm việc,...
Tại Việt Nam, mạng lưới IoT đang dần phát triển và được ứng dụng nhiều hơn trong cuộc sống hàng ngày. Trong đó, phải đặc biệt kể đến VinSmart với những bước tiến trong lĩnh vực công nghệ, ứng dụng AI (trí tuệ nhân tạo) và IoT vào các thiết bị thông minh như smartphone, smart home, smart TV,...
Được thành lập vào tháng 6/2018, VinSmart với sứ mệnh xây dựng một hệ sinh thái thông minh bằng công nghệ đã và đang làm rất tốt để đưa các thiết bị thông minh vào ứng dụng trong cuộc sống hàng ngày. Mở đầu bằng sự ra mắt của dòng sản phẩm điện thoại Vsmart được rất nhiều người quan tâm, sau đó là smart TV với công nghệ hiện đại và đến nay là hệ thống smart home, smart city mang đến phong cách sống tiện nghi đầy đẳng cấp.
Hiện nay, công nghệ IoT mới chỉ đang ở giai đoạn đầu và dự đoán trong tương lai sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa khi dần dần, sẽ ngày càng có nhiều doanh nghiệp nghiên cứu để mang đến nhiều tính năng phục vụ con người hơn.